Dầu dừa có khả năng chống nắng hay không?

Từ khi dầu dừa đi vào cuộc sống của chúng ta thì nó được ca tụng với rất nhiều công dụng khác nhau, một trong số đó là tác dụng chống nắng. Tuy nhiên, nó có thực sự có hiệu quả này không thì có lẽ nhiều bạn còn phân vân phải không nào! Để trả lời câu hỏi này, trước tiên mình xin chia sẻ với các bạn một số thông tin cơ bản về khái niệm chống nắng.


"Chống nắng" là chống những gì?
Bức xạ cự tím từ mặt trời được chia thành 3 loại: UV C (200-280nm), UV B (280-320nm), UV A (320-400nm). UV C là loại có tác động nguy hiểm nhất nhưng nó đã được tầng ozon cản trở nên chúng ta không cần phải lo lắng gì về nó nữa (trừ khi tầng ozon bị đe dọa). UV B và UV A thì lọt được qua tầng ozon nên nó trở thành mối đe dọa với chúng ta. Tia UV B mặc dù làm nguy hại đến da của chúng ta, làm cho da chúng ta cháy nắng nhưng nó lại giúp cơ thể tạo ra vitamin D, có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương. Còn tia UV A không phải là nguyên nhân khiến da chúng ta bị cháy nắng nhưng nó làm da của chúng ta trở nên nhăn nheo, lão hóa và là cũng nguyên nhân gây ung thư da như tia UV B. Do đó, để chống nắng, chúng ta cần phải cản trở được tia UV B và UV A tác động lên da cũng tương tự như tầng ozon đã cản trở tia UV C cho chúng ta vậy.


Có bao nhiêu loại kem chống nắng, và nó chống nắng như thế nào?
Các bạn có biết được trên thị trường hiên nay có bao nhiêu loại kem chống nắng không?. Sự phân loại này không theo thương hiệu hay thành phần khác nhau mà theo tác động chống nắng cơ bản của nó. Chính xác là có 2 loại kem chống nắng: kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học.
- Kem chống nắng vật lý (sunblock): đây là loại chống nắng theo nguyên lý phản xạ ánh sáng, tức là ánh sáng khi chiếu vào da sẽ bị phản xạ lại nhờ các chất vô cơ trong kem chứ không cho ánh sáng truyền qua. Kem chống nắng vật lý thường sử dụng hai chất là oxit kẽm và oxit titan. Hai chất này đều có khả năng phản xạ lại tia UV A và UV B.
- Kem chống nắng hóa học (sunscreen): đây lại là loại theo nguyên lý hấp thụ ánh sáng, tức là khi ánh sáng chiếu lên da của bạn, các chất hữu cơ trong kem có vai trò hấp thụ tia sáng và chuyển hóa nó thàng dạng năng lượng khác là nhiệt nên các tia sáng không còn tác động lên da của chúng ta được nữa. Hầu hết các chất trong kem chống nắng đều có khả năng chống lại tia UV B, nhưng chỉ có một số loại chống được cả UV A và UV B. Vì nguyên lý hấp thụ này nên khi sử dụng bạn phải bôi lại nhiều lần tùy thuộc vào chỉ số chống nắng của các chất có trong kem vì sau một thời gian các chất này đã hấp thụ đủ tia sáng và trở nên kém tác dụng hơn.


Chỉ số chống nắng là gì?
Chúng ta thường hay nghe đến kem chống nắng có SPF 15 hay SPF 20,... nhưng nó là gì vậy nhỉ? SPF là viết tắt của sun protection factor, là chỉ số chống nắng thể hiện khả năng chống tia UV B của kem: SPF 1 có nghĩa là nó có thể chống nắng tối đa trong vòng 15 phút. Như vậy, SPF 15 thì nó có thể chống nắng khoảng 225 phút, và cứ như vậy nhân lên bạn sẽ biết được kem chống nắng của mình có thể chống nắng trong thời gian bao lâu nhờ vào chỉ số SPF. Tuy nhiên, không phải chỉ số càng cao thì hiệu quả càng tốt. Trên thực tế, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng các loại kem chống nắng có SPF thấp hơn 50. Vì độ SPF càng lớn, kem lưu trên da lâu quá, nó sẽ kết hợp với chất tiết của da, dịch mồ hôi tạo ra các phản ứng hoá học, sinh ra các gốc tự do làm cho da tổn thương và biến màu. Khi đó, những hiện tượng đồi mồi, tàn nhang sẽ tăng lên.



Dùng kem chống nắng như thế nào ?
Nhiều bạn quan niêm rằng chỉ dùng kem chống nắng vào mùa hè, khi trời nắng gay gắt, còn mùa đông lại không dùng, đây là một sai lầm. Vì thời tiết mùa thu - đông, tuy nắng không gay gắt như mùa hè nhưng bức xạ mặt trời vẫn tác động mạnh đến da. Do vậy, vào mùa đông cũng cần dùng kem chống nắng nhưng với độ SPF nhẹ hơn. Ở môi trường, khí hậu Việt Nam, vào mùa hè, chỉ nên dùng kem chống nắng đến độ SPF 30. Còn mùa đông chỉ nên dùng từ SPF 4 đến SPF 15. Ngoài ra, bạn cần lưu ý là độ dày kem trên da phải đạt tỷ lệ nhất định, nếu quá mỏng sẽ không đem lại tác dụng. Và phải bôi lên da 30 phút trước khi đi ra nắng. Sau khi hết thời gian bảo vệ, bạn phải bôi tiếp kem chống nắng mới có tác dụng bảo vệ. Mặt khác, không phải lúc nào bạn cũng dùng kem chống nắng. Như mình đã nói ở trên, UV B có vai trò trong việc chuyển hóa vitamin D trong cơ thể, nên nếu bạn sử dụng kem chống nắng cả ngày thì bạn sẽ không nhận được tác dụng này. Chính vì vậy, nếu ra ngoài vào buổi sớm thì bạn không cần phải dùng kem chống nắng, vì cường độ ánh nắng lúc đó rất nhẹ và có lợi cho bạn.




Bây giờ quay trở lại với câu hỏi đầu tiên, để trả lời nó, rất đơn giản, các bạn hãy xem dầu dừa có được những tính chất gì của một kem chống nắng.

1. Dầu dừa có hấp thụ được tia UV không?
Dầu dừa được biết là có chứa nhiều acid béo bão hòa, do đó các acid này sẽ không hấp thụ các tia UV, hay nói cách khác, nó cho truyền qua hầu hết các tia UV. Tuy nhiên, trong dầu dừa vẫn còn một số phân tử có khả năng hấp thụ tia UV nên nhìn chung khả năng hấp thụ tia UV của nó ở mức thấp. Theo một số nghiên cứu thì dầu dừa có khả năng hấp thụ khoảng 20% tia UV. (các bạn có thể xem chi tiết các nghiên cứu ở tài liệu tham khảo phía dưới).

2. Dầu dừa thuộc loại chống nắng nào?
Dầu dừa là hỗn hợp các chất hữu cơ khác nhau, các chất này sẽ đóng vai trò hấp thụ các tia UV để ngăn cản tác hại của tia UV đối với da của chúng ta. Do đó, nó thuộc loại kem chống nắng hóa học.

3. Chỉ số SPF của dầu dừa là bao nhiêu?
Đối với chỉ số SPF thì không có giá trị nào xác định, nó tùy thuộc vào từng loại dầu dừa khác nhau. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Pharmacognosy Research [2] khi nghiên cứu về khả năng chống tia UV của các loại dầu thực vật thì trong đó, kết quả cho thấy dầu dừa có chỉ số SPF là 7.1. Nhưng trong sách của Dr. Bruce Fife "Virgin Coconut Oil – Nature’s Miracle Medicine" [3] lại cho biết chỉ số SPF của dầu dừa từ 4-5. Hay trên một số tạp chí về sức khỏe khác thì cho rằng dầu dừa có chỉ số SPF là 10. Do đó, rất khó để nói chính xác về chỉ số SPF của dầu dừa, nhưng có một điều chắc chắn rằng chỉ số SPF của dầu dừa chỉ dao động từ 4-10.


Vậy, dầu dừa chỉ có khả năng hấp thụ khoảng 20% tia UV, chỉ số SPF từ 4-10. Các con số này cho thấy khả năng chống nắng của nó thấp hơn nhiều so với các sản phẩm chống nắng khác trên thị trường. Nhưng tại sao trên thực tế cho thấy dầu dừa vẫn có khả năng chống nắng, thậm chí còn có hiệu quả cao không những hiên nay mà từ xa xưa cũng vậy? (chi tiết các bạn xem thêm ở tài liệu tham khảo phía dưới). Điểm đầu tiên có thể nói là tính chất tự nhiên của dầu dừa. So với các loại kem chống nắng khác thì dầu dừa hoàn toàn tự nhiên, không chứa các chất hóa học độc hại cho chúng ta. Mặc dù khả năng hấp thụ tia UV của dầu dừa thấp nhưng ngoài tác dụng hấp thụ tia UV, chất chống oxy hóa có trong dầu dừa sẽ giúp ngăn ngừa hiện tượng cháy nắng và bảo vệ làn da khỏi nguy cơ bị ung thư do tác động của tia UV gây ra. Bên cạnh đó, khả năng dưỡng ẩm của dầu dừa giúp cho làn da bạn mịn màng, mềm mại hơn, tránh tác dụng xấu của tia UV A và B lên da. Do đó, sử dụng dầu dừa như một loại kem chống nắng ngoài việc hấp thụ được một phần tia UV, thì lợi ích nhiều nhất của nó là hạn chế được sự cháy nắng và duy trì được làn da mịn màng, tươi sáng khi da bạn phải tiếp xúc với ánh nắng. Đây có lẽ là đặc diểm mà những loại sản phẩm chống nắng khác ít có được.
Nếu bạn muốn có sản phẩm có độ chống nắng cao hơn, bạn có thể dùng dầu dừa kết hợp với một số loại dầu khác rất đơn giản, và bạn cũng có thể làm nó tại nhà đấy!


Tài liệu tham khảo:
1. http://www.rsc.org/chemistryworld/News/2011/February/25021103.asp
2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3140123/
3. http://www.lucybee.co/beauty/beauty-index/natural-sunscreen/
4. http://naturalsociety.com/ditch-toxic-sunscreen-use-coconut-oil-instead/
5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3263051/
6. http://www.naturalnews.com/033261_natural_sunscreen_UV_exposure.html
7. http://www.hindawi.com/journals/jspec/2013/540417/
8. http://kckidsdoc.com/coconut-oil-sunscreen.html
9. http://pullupsandpaleo.wordpress.com/2010/07/26/coconut-oil-as-sunscreen/
10. http://younglivingoillady.com/home/coconut-oil-and-sun-protection/
11.http://www.noble-house.tk/html/EN/Amanprana_conventional_fats_vegetable_oil/Amanprana-extra-virgin-coconut-oil-as-healthy-sunscreen.html
12. http://www.healthextremist.com/use-coconut-oil-sunscreen-this-summer/

0 nhận xét: